Họ đạo Bồng Lai nơi heo hút Trường Sơn

Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp làm phép viên đá xây dựng nguyện đường giáo họ Bồng Lai. - Ảnh: Trần Học
Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp làm phép viên đá xây dựng nguyện đường giáo họ Bồng Lai. – Ảnh: Trần Học

Trung tuần tháng 7 vừa qua, tôi có dịp về Quảng Bình tham dự lễ khánh thành và cung hiến nhà thờ giáo xứ Kim Lũ thuộc xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, vùng đất một thời là chiến khu của bộ đội Việt Minh thời chống Pháp. Nơi đây, được gặp cha quản hạt và các linh mục thuộc hạt Đồng Troóc, các ngài cho biết là giáo hạt Đồng Troóc nay được đổi tên là Nguồn Son, lại có thêm thông tin là giáo họ Bồng Lai, trước đây thuộc giáo xứ Gia Hưng nay được cha sở Hà Lời đảm nhiệm đang chuẩn bị xây dựng nhà thờ.

Tôi đã được cha Hữu đưa về tận nhà xứ Hà Lời cạnh khu du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng, dầu địa sở này của ngài ở tận ngút ngàn trên đường Trường Sơn Tây.Theo các linh mục ở giáo hạt Nguồn Son thì giáo họ Bồng Lai được hình thành mới vài thập niên trở lại chủ yếu là giáo dân ở giáo xứ Gia Hưng vào lập nghiệp.

Thôn Bồng Lai, thuộc xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, ở vị trí đầu nguồn của sông Bùng, một chi lưu thuộc hữu ngạn Nguồn Son. Đây là vùng đất thuộc giáo hạt Nam Quảng Bình của giáo phận Huế ngày trước.

Qua ký ức cũng như những sử liệu từ giáo phận Huế, được biết trên con sông này đã có một xứ đạo tên Bùng do linh mục L. Cadière (cố Cả) khai phá vào cuối thế kỷ 19.

Giáo xứ Cù Lạc và họ Bùng ngày ấy…

Trong báo cáo thường niên của Đức cha Caspar vào năm 1888 có ghi: “… Ngày trước chiến tranh, làng lương dân Phù Kinh đã xin trở lại; cuộc bách hại làm cho yếu đi một chút, nhưng họ không bỏ đạo! Hiện nay làng này xin có một vị thừa sai. Cù Lạc cũng là một họ đạo mới thành lập gồm 200 tân tòng sẽ liên kết với giáo hạt này” (1). Người gieo hạt giống đức tin nơi vùng đất Cù Lạc sau thời “Bình Tây Sát Tả” của Văn Thân đó là linh mục G.B. Bùi Quang Lợi.

Tháng 10 năm 1895, linh mục L. Cadière được bổ nhiệm làm cha sở Tam Tòa (Đồng Hới). Là quản hạt vùng Nam Quảng Bình, ngài cảm nhận được những khó khăn của giáo dân đang sống dọc theo bờ Nam Nguồn Son – Sông Gianh nên đã xin về phục vụ tại giáo xứ Cù Lạc. Chỉ sau hơn một năm, những thành quả mà cố Cả gầy dựng được Đức cha Caspar báo cáo vào năm 1898: “Từ 6 tháng nay, dân Công giáo đã tăng gấp đôi trong giáo hạt, dầu có 800 người chết do đói kém hoặc các hậu quả kèm theo. Giáo xứ lớn được giao phó cho cha Cadière đã tăng thêm 4 giáo họ mới” (2). Những giáo họ mới đó là Hà Lời, Chùa Nghe (hay là An Hòa), Bùng. Đầu năm 1898, Đức cha Caspar đã cử thêm linh mục Antôn Nguyễn Đức Tú về làm cha phó Cù Lạc

Năm 1902, cố Cả rời Cù Lạc, xuôi thuyền về nhận nhiệm sở Bồ Khê, nơi cuối nguồn gần cửa sông Gianh. Từ đây Cù Lạc và các giáo họ Hà Lời, Chùa Nghe, Bùng… lần lượt được đảm nhiệm bởi các linh mục: Dominicô Lê Văn Phẩm (từ 1902 – 1908); Micae Nguyễn Văn Cẩm (từ 1908 – 1916); Antôn Nguyễn Văn Triều (từ 1916 – 1932); Matthêu Nguyễn Linh Giáo (1932 – 1936); PX. Bùi Quang Ninh (1936 – 1944); Phaolô Nguyễn Thanh Hoà (1944 – 1948).

Năm 1920, cha Nguyễn Văn Triều rời Cù Lạc về xây dựng nhà thờ Hà Lời, lập giáo xứ và ở luôn tại đây. Theo bản thống kê của Địa phận Huế về các xứ đạo ở Quảng Bình từ năm 1921 – 1922, tuy có ghi hai địa sở Cù Lạc và Phù Kinh nhưng số giáo dân thì để trống. Các xứ còn lại ở khu vực Nguồn Son – Sông Gianh có Bồ Khê: 272 giáo dân; Hà Lời: 225; Chùa Nghe: 186 và Bùng 97 giáo dân (3).

Giáo họ Bồng Lai hôm nay

Ngày trước, muốn vào xứ đạo heo hút này, từ Cù Lạc, Cố Cả phải xuôi thuyền theo sông Son, rồi ngược sông Bùng mất 10 cây số. Còn hôm nay, tôi được theo cha sở Hà Lời Phêrô Ngô Thế Bính vào dâng lễ ở Bồng Lai thì thuận tiện hơn nhiều. Từ Hà Lời ra đường mòn Hồ Chí Minh nhánh Đông đi về phía Nam gặp cầu Bùng là khoảng 10 cây số, từ đây rẽ về hướng Tây theo đường đất đỏ cặp theo sông Bùng thêm 5 cây số đó là họ Bồng Lai.

Ấn tượng đầu tiên khi đến giáo họ này đó là ngôi nhà nguyện bằng gỗ xiêu vẹo sắp rã rời theo năm tháng, tọa lạc trên một khu đất gần 4.000m2 mà nhà nước vừa chấp thuận để cho xây nhà thờ mới. Tôi lân la tìm hiểu về mối quan hệ của họ Bùng ngày trước với giáo họ Bồng Lai ngày nay, được gặp ông Đinh Xuân Hòa, 58 tuổi hiện là trưởng ban mục vụ của giáo họ Bồng Lai, ông cho biết là ông nội ông đã vào lập nghiệp ở xứ Bùng từ thời Văn Thân bắt đạo, thân sinh là con út trong gia đình nếu còn sống thì đã 93 tuổi. Theo ông thì sau khi cha Nguyễn Thanh Hoà rời Hà Lời để về Bồ Khê vào năm 1948, thì xứ Bùng không còn linh mục trông coi, thời chống Pháp có cha Ngô Đình Phú, đến thời chống Mỹ có cha Nguyễn Ngọc Quế đều ở giáo xứ Gia Hưng, thuộc Giáo phận Vinh có cha dâng thánh lễ tại nhà thờ Bùng. Năm 1968, đó là lúc máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất, nhà thờ Bùng bị huỷ diệt, nhà cửa giáo dân cùng chung số phận. Lúc này họ Bùng chỉ có khoảng hơn 20 gia đình, họ dắt díu nhau tiến vào đầu nguồn để tránh bom đạn, làm lán trại để cùng nhau kinh nguyện. Hoà bình lập lại, bà con không về chốn cũ, cùng với nhiều giáo dân thuộc các xứ đạo trong vùng Nguồn Son đến lập nghiệp để hình thành một giáo họ Bồng Lai hôm nay.

Anh em trong ban mục vụ, đưa tôi trở ra con đường cũ khoảng hơn một cây số để “mục sở thị” vị trí nhà thờ Bùng ngày trước. Đó là một khu đất trên một đồi nhỏ ở ven đường, không còn dấu tích của nhà thờ, khu vực này hiện phần đông do bà con lương dân từ Khương Hà đến lập nghiệp.

Được biết, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp từ khi đảm nhiệm Giám mục Giáo phận Vinh, đã nhiều lần đến khu vực Phong Nha – Nguồn Son để chia sẻ khó khăn với các linh mục và giáo dân. Như nặng lòng với Cố Cả Cadière, ngài còn tìm đến Cù Lạc, Bồ Khê vào tận bờ sông Bến Hải ở Quảng Trị để được nhìn lại Di Loan dẫu biết các địa sở này không còn tồn tại. Có lẽ đó là nguyên do để tháng 3 vừa rồi ngài “ưu ái” trả lại giáo họ Bùng – Bồng Lai cho cha sở Hà Lời Phêrô Ngô Thế Bính, vị tân linh mục mới nhận nhiệm sở này vào cuối năm 2006, sau hơn nửa thế kỷ vắng bóng cha xứ. Chỉ mới 4 tháng phụ trách giáo họ Bồng Lai, ngoài công việc mục vụ, cha Bính đã xuôi ngược từ xã, lên huyện để hoàn tất thủ tục cho một ngôi nhà thờ sắp được xây dựng giữa Trường Sơn.

Hiện nay, giáo họ Bồng Lai có 153 gia đình với gần 800 giáo dân, sống rải rác quanh những chân đồi nơi thung lũng sông Bùng với những mảnh vườn, thửa ruộng nhỏ bé. Nhiều thanh niên, thanh nữ phải bỏ xứ mưu sinh tận miền Nam hoặc sang nước bạn Lào. Sống giữa Trường Sơn, trước đây bà con sống nhờ vào lộc của rừng với nghề khai thác gỗ, nay rừng đã bị cấm. Nhân viên kiểm lâm cấm cản thì đã đành, còn trên toà giảng cha sở răn đe, thôi thì đành bỏ nghề. Nhớ lại năm 2007, trong một lần cùng cha sở Hà Lời dừng chân ở cổng vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng trên đường 20, được ông Tiến trưởng đồn kiểm lâm mời vào “giao lưu”, tôi đã chứng kiến những anh em kiểm lâm cùng cha Bính xiết tay nhau để cho nơi di sản của thế giới này được bớt nạn phá rừng.

Được biết, ngày 7 tháng 9 tới đây, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục giáo phận Vinh sẽ về Bồng Lai để đặt viên đá đầu tiên xây dựng Thánh đường.

————————————

(1),(2) Các báo cáo thường niên của các vị Giám mục Giáo phận Huế gửi Hội Truyền giáo hải ngoại Paris, từ 1872 đến 1940 (Lê Thiện Sĩ sưu tập 2004, bản dịch Lm. Sta. Nguyễn Đức Vệ).

(3) Tổng Giáo phận Huế: Một trăm năm mươi năm 1850 – 2000 (trang 136).

Dương Kim Sinh

Bình luận về bài viết này