HAI CHỊ EM MÁCTA VÀ MARIA

“38Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. 39Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. 40Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” 41Chúa đáp: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! 42Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”. (Lc10, 38-42)

 Một kinh sư đến chất vấn Đức Giêsu và xin theo Người, nhưng Đức Giêu trả lời “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8, 20). Cuộc đời Đức Giêsu sống giữa trần gian với những hạn hẹp không chốn nơi dung thân hay như thể người đời thường ví von “sống vô gia cư, chết vô địa táng”. Thế nhưng định đề này xem ra không đúng khi Ngài đến làng Bêtania. Thật vậy, hôm nay thầy trò đến một làng kia và đã được tiếp đón một cách nồng hậu. Thì đây, mới đến đầu làng, Thầy trò đã được sự vồn vả, đon đã của Mácta ra rước vào. Cô và hai em đã chuẩn bị tươm tất để Thầy trò dừng chân sau quãng đường đằng đẳng. Chè xanh thơm ngát, hoa quả dù hiếm hoi vẫn có để Thầy và các môn đệ hưởng dùng trước khi dùng bữa cơm thanh đạm vùng Bêtania khô cằn. Chúng ta vui mừng vì biết rằng không phải lúc nào Đức Giêsu cũng bị xua đuổi, không phải lúc nào Người cũng đi lang thang không nới trú ẩn… và có lúc Người cũng dừng lại ở nhà các bạn hữu Người để nghỉ ngơi, để ngồi nói chuyện… để sử dụng thời gian… và thời gian của tình bằng hữu không phải là thời gian đánh mất.

Chắc hẳn gia đình Mácta đã đợi chờ cơ hội này từ lâu rồi, bấy lâu Thầy đã đến thăm nhà nhưng chưa có cơ hội để mời Thầy dùng bữa. Thái độ của chị đã cho ta thấy điều đó, chị ra tới đầu làng để rước Chúa và các môn đệ, tất bật, vồn vã lo lắng cho bữa cơm. Căn nhà nhỏ nhắn xinh xắn bên đồi cọ như reo vui trong chiều nhẹ, những con người như hớn hở và vui vẻ khi được gặp nhau sau bao ngày xa cách. Mácta xắng xít lo cho bữa cơm còn Maria vẫn thanh đạm ung dung kề bên chân Thầy để nghe Thầy kể chuyện. Bức tranh dưới nét cọ của tài danh Luca đưa chúng ta đi từ tổng quát đến chi tiết rõ ràng, chẳng những ông biểu đạt những nét bút sắc sảo mà còn đọc được cả tâm can của từng nhân vật trong đó.

Mácta có vẽ hờn ghen vì cô em của mình. Cũng đúng thôi, cô không những hờn ghen với em mà còn trách cứ cả Thầy mình, “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao?” lời nói ấy là một lời trách cứ nhẹ nhàng và hờn giỗi. Thầy nữa! Đến nhà rồi đã mệt mà còn thích kể chuyện, lại còn để cô em chiễm chệ bên cạnh nữa chứ! Truyền thống các kinh sư đâu cho phép một người nữ ngồi như vậy chứ? Thầy chẳng lẽ không biết sao? Lời trách của cô có lý, vì hoàn cảnh quá rõ: một người khách quý vừa đến nhà. Phải làm mọi sự để đón tiếp người ấy cho chu đáo; nhất là hẳn là còn cả đoàn môn đệ của Thầy nữa! Nhà chỉ có hai chị em gái; thế mà Maria cứ để cho chị phải xoay sở một mình. Mácta có lý khi yêu cầu em giúp mình. Tuy nhiên, một đàng Mácta nghĩ mình có lý đến độ dám gợi cho Thầy cả cách thức cư xử nữa, “Xin Thầy bảo nó giúp con một tay”. Nhưng đàng khác, dường như cô cũng hoài nghi về chính cô, dường như cô đang tự hỏi là phải chăng cô đã can thiệp quá đáng. Điều này được gợi ra bởi động từ rất mạnh, rất phong phú, gắn kết chặt chẽ với ân ban Thánh Thần, là synantilambanomai, “cộng tác với”. Mácta can thiệp hầu như với vũ lực, nhưng phong thái của cô dường như lại diễn tả một tình trạng yếu đuối cùng cực. Thật trớ trêu và khôi hài là Mácta can thiệp vì nghĩ rằng Thầy cũng chia sẻ cái nhìn đó với cô, nhưng sự thật lại không phải thế.

Đức Giêsu hiểu, Người không trách mắng Mácta, Người trả lời bằng giọng khuyên dạy. Thầy chẳng trách Mácta cũng chẳng phải hắt hủi gì chị cả, Thầy rất tôn trọng chị cũng như những việc chị đang làm. Thái độ phục vụ của chị rất tốt, rất cần tuy nhiên còn có một việc khác tốt hơn nữa mà chị chưa biết: lắng nghe lời Thầy. Mácta bị ngột ngạt vừa do các lo lắng về trách nhiệm (merimnâs), vừa do thứ tiếng ồn liên tục (thorybazô) không cho cô sống trong thinh lặng, lại vừa do cô tự hào (epistâsa) về tất cả những chuyện cô đang sống, đang làm. Tất cả và chuyện đó chỉ là tương đối, là phụ thuộc; trước tiên hãy tìm Nước Thiên Chúa (x. 12,31), rồi tất cả những chuyện còn lại sẽ đến theo. Tìm kiếm Nước Thiên Chúa cũng có nghĩa là trước tiên, tìm kiếm ân huệ Thánh Thần, tìm làm sao để nhận được ân ban Lời Chúa, rồi các thứ khác sẽ đến sau. Chúng ta ghi nhận chính Đức Chúa (Kyrios) trả lời Mácta. Ở đây ta thấy có sự tài tình của nét cọ Luca và nó mang tính khôi hài: Mácta dùng mà không ý thức danh hiệu Kyrios mà bây giờ dưới bàn tay Luca ông đã lấy lại với sắc thái thần học để đưa lại nét long trọng và dứt khoát cho câu trả lời. Mácta nại đến “Chúa” vì mong được Người yểm trợ, nhưng “Chúa” lại bác bỏ các chờ đợi của cô. Mácta nói đến “việc phục vụ nhiều/phức tạp (pollê)”, nay Thầy lại nói đến “nhiều chuyện (polla): như thế, Mácta chẳng những bận bịu, mà còn bị phân tán. Mácta phản ứng do sự tương phản giữa “nhiều” và “một mình”, các lời của Đức Giêsu lấy lại sự tương phản này, nhưng chuyển dịch sang sự đối lập giữa “nhiều chuyện (polla)” và “một chuyện (henos)”.

Trong những ngày đi giảng dạy, có lần Thầy đã từng nói rằng “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8, 21). Quả thật, Thầy rất coi trọng và yêu mến những người lắng nghe lời mình. “Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy”, chắc hẳn đây là tư thế của người môn đệ đang lắng nghe (x. 8,35). Cách của Maria là ngồi nghe Chúa nói. Đó chính là mẫu gương của người môn đệ theo thần học của Luca, đây là nét chấm phá lớn trong bức tranh toàn cảnh của ông về tâm tình của người môn đệ lắng nghe tiếng Chúa. Đón tiếp vị ngôn sứ là nghe vị ngôn sứ đó nói Lời Thiên Chúa (Lc 8, 11). Trong tác phẩm của mình, Luca đã đưa ra thái độ ngồi và đó là thái độ chấp nhận quyền bính (Lc 7.37; 8, 35.41; 17,16; Cv 4,35.37; 5,2; 22,3). Hơn nữa, khi đến nhà Mácta và Maria Đức Giêsu không chú tâm nhắm vào việc được đón tiếp vào bữa tiệc, nhưng là để được lắng nghe. Việc chính yếu của Thầy là đến để loan truyền về Thiên Chúa, Cha của Thầy cho nhân loại, cho mọi người. Tiếc thay Mácta đã vô ý quên đi điều này.

Còn Maria không phải là hạng người trốn trách trách nhiệm, chắc hẳn cô cũng đã chuẩn bị cho việc tiếp đón Chúa, nhưng cô đã xét thấy cơ hội hiếm có để tiếp cận và lắng nghe lời Thầy. Cô cũng biết rõ luật lệ cấm buộc những phụ nữ ngồi dưới chân để nghe như vậy, nhưng cô vượt qua rào cản đó và hơn nữa, dầu gì đây cũng là nhà của cô, không còn cơ hội nào tốt hơn để tỏ bày tâm sự với Thầy và lắng nghe lời của Thầy. Maria là người biết tận dụng và nắm bắt cơ hội để gặp gỡ và thân tình với Chúa. Cô quả đã được ơn soi dẫn và gặp dịp hiếm có xảy ra trong đời mình. Bởi đó cô đáng được Thầy khen “Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”. Ở đây, Luca tiếp tục đề tài “khác quan điểm” này trong câu chuyện “đối đầu” giữa hai chị em Matta và Maria, một tích truyện chỉ có trong Luca và chỉ có liên quan thiết thân với nhãn quan thần học của ông. Hai chị em này là hình ảnh tiêu biểu cho việc tiếp đón một vị ngôn sứ. Các sứ giả của Đức Giêsu đi đây đi đó cần đến sự đón tiếp như vậy.

Vậy phải chăng khi chúng ta đặt ngược tình thế vấn đề: nếu cả Mácta cũng tiếp chuyện Đức Giêsu mà không có ai lo việc tiếp đãi Ngài, cụ thể là lo nước nôi tiếp khách và bữa ăn cho Ngài, thì có nên không? Ngài có hài lòng về cách tiếp đãi đó không? Đâu là thái độ đúng đắn nên chọn lựa giữa Mácta và Maria? Đâu là sự hoàn hảo của sự chọn lựa? Đâu là bài học cho thái độ của hai chị em nhà Mácta?

Tính thần học nơi Tin mừng Luca qua đoạn Tin Mừng này

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu theo thánh Luca, mỗi người chúng ta đi từ ngạc nhiên này đến ngỡ ngàng kia. Những điều ngộ nghĩnh, giả hình của bọn Pharisêu, những người thông luật, những vị lãnh đạo tôn giáo hồi đó. Nhưng bên cạnh đó, có những câu chuyện thu hút con người, dạy con người cách vô cùng tinh tế và thực tế. Qua đoạn Tin Mừng này cho chúng ta thấy hai thái độ đón tiếp Chúa Giêsu của hai chị em cô Mácta và Maria. Bài Tin Mừng này nằm trong hành trình lên Giêrusalem (9, 51, – 19, 28). Trong bối cảnh này Luca diễn tả về cuộc hiện sinh của Kitô hữu theo Đức Giêsu như Chúa muốn. Trở nên môn đệ cần phải làm gì? Làm sao loan báo Tin Mừng? Thiên Chúa biểu lộ tình yêu cách nào? Trong cuộc sống nhiều người đón các cha vào nhà mà chỉ chú trọng đến việc làm cơm và tập chú vào đó, chỉ qui về mình mà quên rằng cha muốn đi thăm mục vụ hơn là chuyện ăn uống…điều quan trọng là cần biết thiết lập mối tương quan giữa ta với Chúa, với cha xứ và cộng đoàn giáo xứ thì ta lại không biết, không làm.

Chúng ta thấy rằng trong Tin Mừng của Luca, các môn đệ phụ nữ hỗ trợ tiền của cần thiết thế nào cho sứ vụ của Đức Giêsu và các tông đồ ở Lc 8, 1-3. Giờ đây, trên đường sứ vụ Giêrusalem, điều này cần thiết biết bao. Đặc biệt trong câu chuyện này, Đức Giêsu của Luca “lưu ý” đến “cách thức” tiếp vị ngôn sứ. Câu trả lời của Đức Giêsu với Mácta: Điều cần thiết để tiếp vị ngôn sứ và quan tâm đến Ngài và giáo huấn của Ngài chứ không phải là sự “chu đáo” trong việc “bếp núc”. Lắng nghe Lời Thiên Chúa nơi vị ngôn sứ quan trọng hơn. Luca cũng cho thấy việc Mácta yêu cầu khách “giải quyết” vấn đề “nội bộ” của gia đình là vô lý. Cho nên quả thật tài văn chương của Luca rất sống động đến mức độ cho đến ngày nay các vấn đề Luca đặt ra vẫn có tính thời sự. Dường như Luca còn là nhà tâm lý đại tài: tâm lý của thầy Tư Tế và Lêvi đối với việc giữ Luật: Tâm lý của ông luật sĩ muốn biên minh, tâm lý của người phụ nữ Mácta muốn “đặt vấn đề” về việc “ hai chị em”. Nhưng trên hết là sự chuyển đổi từ các thái độ còn nằm ở bình diện tâm lý đó sang thái độ của người sống Tin Mừng thực sự. Lòng thương cảm của người Samari đã được quyền đổi sang “thái độ Tin Mừng” của việc “ xả thân” cứu người bị nạn, vượt trên các cảm tính tự nhiên. Việc tiếp đón người khác không chỉ dựa trên việc tiếp đón theo ý mình, mà theo ý của người khách được tiếp đón, đó là lắng nghe họ. Nếu thực sự Luca muốn dạy chúng ta như vậy, thì quả thực ngòi bút của Luca thật tuyệt vời, vì những gì Đức Giêsu đã dạy, qua các câu chuyện Luca đã truyền đạt cho chúng ta Tin  Mừng thực sự của Đức Giêsu.

Nhìn lại ngữ cảnh rộng, chúng ta có thể cho rằng Luca đặt bản văn 10, 38-42 ở đây nhằm nêu bật giáo huấn của Đức Giêsu ở 10, 25-37 khi nói về “điều răn lớn” như là đáng để mọi người lưu ý, như là thuộc về “điều duy nhất cần thiết”. Hơn nữa, đây là sự Mặc khải về Chúa Cha, Đấng mà không ai biết Ngài như Đức Giêsu, đồng thời để dạy rằng động lực của mọi hành vi luân lý Kitô hữu phải tuyệt đối là giáo huấn của Đức Giêsu. Chỉ nhờ nghe lời giáo huấn của Đức Giêsu, trong lòng người nghe mới phát sinh tình yêu đối với người lân cận. Bản văn này còn cho thấy có những liên hệ đầy ý nghĩa với lời giải thích dụ ngôn hạt giống/Lời Thiên Chúa (Lc 8,11-15): sự bận rộn thái quá của Mácta khiến ta nhớ đến loại đất thứ ba (8,14), còn sự chọn lựa của Maria nhắc nhớ đến mảnh đất tốt, tại đó Lời sẽ sinh hoa trái (8,15).

Bài học từ nơi hai chị em Mácta và Maria

Qua câu chuyện của chị em Mácta và Maria, ta học được những bài học cho cuộc đời dấn thân theo Chúa và cuộc đời mục vụ của mình:

Tâm tình hiếu khách, một đặc tính của Kitô hữu chúng ta

Đức Giêsu đến làng Bêtania, nơi nhà Mácta và Maria, là những người rất mến mộ Ngài. Đây là một dịp tốt để hai chị em tỏ lòng yêu thương và quí mến Ngài. Ngôi nhà của Mácta và Maria ở Bêtania trở thành căn nhà êm ái nhẹ nhàng của điểm dừng chân đầu tiên trên hành trình tiến về Giêrusalem. Tinh thần hiếu khách như hai chị em này là một trong những đặc điểm của người Á Đông và cũng phải là đặc điểm của mọi Kitô hữu chúng ta. Đức Giêsu trước khi về trời đã để lại cho chúng ta di sản lớn lao và truyền cho chúng ta phải thi hành đó là “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,13). Vì thế, ta phải hết mực yêu thương và có tâm tình hiếu khách như tâm tình của gia đình Bêtania nơi Chúa hiện diện và trở thành vị khách quen của gia đình. Mỗi chúng ta phải trở thành căn nhà Bêtania để Chúa đến hiện diện và sẻ chia những vui buồn, từ đó làm phát sinh tình huynh đệ và xây dựng cuộc sống tốt đẹp.

Tinh thần phục vụ

Qua bài Tin mừng của Luca, chúng ta thấy rằng ưu điểm của Mácta là tinh thần năng động, cô biểu lộ tình yêu và sự quí mến của mình bằng việc phục vụ, quan tâm tới nhu cầu cụ thể của người khác. Đây là một đức tính tốt mà chúng ta cần phát huy trong cuộc đời dấn thân phục vụ của mình. Chúng ta nhận lãnh từ Chúa những gì cao quý thì chúng ta phải ra sức phục vụ và phục vụ một cách vô vị lợi. Mẹ Têrasa Calcutta đã từng nói rằng “hoa quả của sự thinh lặng là cầu nguyện, hoa quả của việc cầu nguyện là đời sống đức tin; hoa quả của đời sống đức tin là đời sống tình yêu; hoa quả của tình yêu là đời sống phục vụ; hoa quả của phục vụ là luôn luôn vui tươi bình an…”. Đời phục vụ trong tinh thần của Chúa thì chúng ta mới có bình an và cuộc sống của chúng ta mới là thiên đàng.

Chọn lựa phần hơn trong cuộc sống

Sống là một chọn lựa, và chọn lựa là bỏ một phần. Bài Tin Mừng này của Luca cho ta tâm tình đó. Qua cách trả lời của Đức Giêsu: “Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”. Đúng, Maria đã lựa chọn cơ hội tốt cho mình, hẳn cô hiểu rằng việc phục vụ Chúa, phục vụ Thầy về bữa ăn là điều tốt tuy nhiên có điều còn tốt hơn thế nữa và cô đã quyết định chọn việc ngồi dưới chân Chúa và bỏ việc phận vụ của mình.

Cuộc sống có nhiều lúc đưa ra buộc ta phải quyết định, và quyết định của ta có thể làm mất lòng một số hay nhiều người. Bởi đó, ưu tiên đầu tiên ta phải dành cho Chúa khi đưa ra quyết định, sau đó mới đến những thứ khác. Bởi Chúa là đối tượng và cùng đích của ta, đừng khoan nhượng về những thứ bề ngoài mà đánh mất điều chính yếu của mình là Chúa và chỉ mình Ngài mới là điều thiện hảo mà thôi.

Cần có sự điều hòa và quân bình giữa tâm linh và thể chất, giữa cầu nguyện và hoạt động

Ý hướng chính của Luca trong đoạn Tin Mừng này không phải là để nói về việc chiêm niệm và hoạt động như nhiều người thường nghĩ. Tuy nhiên, ta có thể áp dụng bài học đó vào thực tế của cuộc sống. Hai khía cạnh của sự sống “tâm linh và thể chất” liên quan đến nhau và hỗ trợ nhau. Khía cạnh này tốt đẹp và lành mạnh thì cũng sẽ ảnh hưởng tốt đẹp lên khía cạnh kia. Tuy nhiên, quá quan tâm đến khía cạnh này thì sẽ bỏ bê đồng thời làm hại cho khía cạnh kia. Do đó, hai khía cạnh ấy của sự sống cần phải được quan tâm một cách điều hòa và quân bình: không nên quá quan tâm đến khía cạnh này mà bỏ bê khía cạnh kia.

Tương tự như thế, cần phải có sự điều hòa và quân bình giữa sự cầu nguyện và hoạt động. Thánh Giacôbê nhắn nhủ răng “đức tin không hành động là đức tin chết” (Gc 2, 17). Do đó, nếu cầu nguyện nhiều mà không cảm thấy có sức mạnh nào thúc đẩy mình đi đến hành động thực tế, thì sự cầu nguyện ấy hẳn nhiên không phải là cầu nguyện đích thực, nghĩa là không thật sự gặp gỡ Thiên Chúa. Người Kitô hữu chúng ta, đặc biệt là các linh mục thời nay thường gặp phải tình trạng này.

Tạm kết

Cuộc sống của chúng ta phải luôn thể hiện cả tinh thần của Mácta và của Maria. Hành trình đời sống của chúng ta trên dương gian ví tựa con thuyền, cầu nguyện và hoạt động như hai bánh lái của con thuyền đó. Chúng ta phải kết hợp và đan xen với nhau, không coi trọng bên này xem nhẹ bên kia có như thế thuyền đời của ta mới cập bến bình an và như lòng Chúa mong ước. “Mến Chúa, yêu người” là giới răn tối cần và thiết yếu mà Đức Giêsu khi còn sống tại thế đã để lại cho chúng ta. Chính Ngài đã sống một cuộc đời phục vụ và dâng hiến toàn vẹn, vì “anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế. Thật vậy, Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người” (1Pr 2,21).

Trang Bình

Vinh Thanh, K.11

 

Bình luận về bài viết này