CĂN TÍNH ĐỨC GIÊSU QUA CÁC PHÉP LẠ

Dẫn nhập

Các sách Tin Mừng không phải là những thiên phóng sự hay những trình thuật vô hồn, nhưng có mục đích trình bày Đức Giêsu và công trình cứu độ của Người theo nhãn quan thần học của mỗi tác giả. Tin Mừng là lời tuyên xưng về Đức Giêsu, xuất phát từ cảm nghiệm sâu xa của các tác giả và của cộng đoàn tin, đồng thời gợi lên biến cố Đức Giêsu để soi rọi và định hướng cho cuộc đời. Tác giả viết Tin Mừng để tuyên xưng đức tin, củng cố niềm tin của anh em và rao giảng cho người ta biết về ơn cứu độ nhờ đó để họ được cứu độ. Như thế, Tin Mừng trước hết là chứng từ đức tin sống động về Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, đã Nhập Thể làm người, chết và sống lại hiển vinh, không ngừng hiện diện để thăng tiến Hội thánh của Người giữa lòng những nền văn minh nhân loại tiếp nối nhau dọc dài qua các thế kỷ. Trong cuộc đời Nhập Thể và Nhập Thế ấy Đức Giêsu Kitô đã làm nhiều phép lạ nhằm để cũng cố đức tin, minh chứng cho những lời rao giảng cũng như qua đó biểu lộ căn tính của chính Người cho nhân loại.

Hạn từ “Phép lạ”

Từ “Phép lạ” trong Tin Mừng nói riêng và trong Kinh Thánh nói chung được phỏng dịch chừng hai từ nguyên gốc Do Thái hay dịch gián tiếp từ tiếng Hy Lạp là “dấu chỉ” và “điềm lạ”. Thực ra trong Kinh Thánh tiếng Hy Lạp không hề dùng từ “phép lạ”. Từ Hy Lạp (δύναμις – dy′namis) đôi khi được dịch là “phép lạ”, có nghĩa đen là “năng lực” (Lc 8,46), cũng có thể dịch là “việc quyền năng̣” hoặc “sự tài tình” (Mt 11,20). Một từ Hy Lạp khác (τέραςte′ras) thường được dịch là “dấu lạ” hoặc “điềm thiêng” (Cv 2,19; Ga 4,48). Từ này nhấn mạnh hiệu quả trên những người quan sát, rất nhiều lần, đám đông và các môn đệ sững sờ và kinh ngạc trước các công việc đầy quyền phép Chúa Giêsu làm. Một từ Hy Lạp thứ ba (σημεῖον – semei′on) ám chỉ các phép lạ của Chúa Giê-su là “dấu chỉ” được Thiên Chúa ban cho quyền phép. Theo học giả Robert Deffinbaugh, từ này “làm nổi bật ý nghĩa sâu sắc của phép lạ… ‘dấu chỉ’ là phép lạ truyền đạt một lẽ thật về Chúa Giêsu của chúng ta”. Trong cuộc đời rao giảng của mình, Đức Kitô đã được “Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em” (Cv 2,22) để cho thấy Nước Trời đang hiện diện nơi Người. Các phép lạ chứng tỏ Chúa Giêsu chính là Đấng Mêsia đã được tiên báo” (Mc 2,12; 4,41; 6,51; Lc 9,43…) và cũng nhằm chứng tỏ sứ vụ của Đấng Thiên Sai nơi Người mà sách Isaia đã loan báo “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18-19).

Nội dung

Ý nghĩa và mục đích của các phép lạ

Kinh Thánh không miêu tả các phép lạ của Chúa Giêsu như những mánh khóe hoặc ảo thuật nhằm làm trò vui cho người ta nhưng khi trình bày các phép lạ các thánh kí muốn nhấn mạnh đến sự biểu hiện quyền phép cao trọng của Thiên Chúa. Trong các Phúc Âm tường thuật khoảng 49 phép lạ của Chúa Giêsu đã làm trong nhiều lĩnh vực khác nhau như quyền trên thiên nhiên, quyền trừ quỷ, chữa lành bệnh tật, sự chết, trên các lãnh vực khác và đặc biệt là phép lạ lớn lao nhất là sự Phục Sinh vinh hiển của Người[i]. Con số các phép lạ của Đức Giêsu là không biết rõ vì thực ra ta không thể xác định rõ được Chúa Giêsu đã làm tất cả bao nhiêu phép lạ. Thánh sử Matthêu ghi rằng “ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (Mt 14,14), như thế chúng ta không được biết có bao nhiêu người bệnh được chữa lành vào dịp đó.

Ý nghĩa đầu tiên của phép lạ là chúng bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa[ii]. Khi đến trần gian để đồng hóa với con người, Đức Giêsu đã có cùng một cảm thức và rung động của con người, “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15). Bởi đó, Người mủi lòng trước cảnh khổ đau của con người, và muốn giải thoát họ. Các tác giả Phúc Âm không quên ghi chú tâm tình của Đức Giêsu khi làm phép lạ. Người “chạnh lòng thương” khi thấy đám đông như bầy chiên không người chăn dắt, nên Người đã dạy dỗ họ và làm phép lạ bánh hóa nhiều để cho họ ăn (Mc 6,34; 8,2tt). Người “chạnh lòng thương” khi chữa hai người mù tại Giêricô (Mt 20,24). Người “chạnh lòng thương” khi thấy đám tang của đứa con trai duy nhất của bà góa, nên đã cho nó sống lại (Lc 7,13). Chính vì điều này mà nhiều lần các bệnh nhân đã đến van xin Người hãy “thương xót” và làm phúc thi ân cho họ (Lc 17,13; Mt 8,4; Mc 9,22). Các tác giả Tân Ước không bao giờ tả cảnh Đức Giêsu làm các phép lạ để trừng phạt con người, như thánh Phêrô đã làm trong trường hợp phạt ông Anania và Saphira (Cv 5,1-11), hay thánh Phaolô đối với pháp sư Elymas (Cv 13,10-11), hoặc thiên sứ được gửi tới với thầy cả Dacaria (Lc 1,20).

Ý nghĩa thứ hai của các phép lạ khi Đức Giêsu làm đó là chúng đánh dấu triều đại của Thiên Chúa đang đến. Chính các ngôn sứ đã sử dụng các thuật ngữ “Nước Thiên Chúa, Triều đại của Thiên Chúa, Chủ quyền của Thiên Chúa” để ám chỉ thời buổi của Thiên Chúa sẽ xuất hiện để cứu thoát dân của Người. Quan niệm về sự giải thoát này chỉ dừng lại trên bình diện giải phóng chính trị xã hội của dân Do Thái mà thôi còn với Đức Giêsu, Ngài đến không chỉ để giải thoát con người khỏi điều đó mà còn giải thoát con người một cách toàn diện khỏi mọi ngăn trở: người mù, người câm điếc, người què, người bại liệt không thể nhìn, nghe, nói, đi lại như bao nhiêu người khác… điều này chứng tỏ một điều rằng Đức Giêsu có quyền trên mọi thế lực của bệnh tật, thiên nhiên, tội lội, Satan. Khi làm phép lạ, Chúa Giêsu không bao giờ lôi kéo sự chú ý về Ngài. Ngài lo sao để kết quả các phép lạ và sự vinh hiển được qui về cho Thiên Chúa Cha. Chẳng hạn, trước khi chữa một người mù, Chúa Giêsu nhấn mạnh việc chữa lành này là “để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện” hay “là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh” (Ga 9,1-3; 11, 1-4). Tội lỗi, bệnh tật thể xác hay tâm thần, các rối loạn của thiên nhiên, và ngay cả cái chết nữa, đều là những hình thức quyền lực sự dữ đè nặng trên cuộc sống con người. Khi miêu tả Đức Giêsu như là người nắm trong tay quyền bính của nước Trời, các Phúc Âm muốn cho thấy có một sức mạnh ngự đến đối chọi với quyền lực sự dữ.

Chúng ta cũng thấy rằng mục đích Chúa Giêsu làm phép lạ là để đáp ứng nhu cầu thật sự về thể chất của người ta (như việc chữa người mù ở Giêrikhô), chứ không phải để thỏa mãn sự hiếu kỳ của một người nào đó (như khi đứng trước Hêrôđê) (Mc 10, 46-52; Lc 23,8). Chúa Giêsu cũng không bao giờ làm phép lạ để trục lợi dưới bất cứ hình thức nào (Mt 4, 2-4; 10,8). Các phép lạ của Chúa Giêsu chứng tỏ rằng nước Thiên Chúa đã đến ở giữa nhân loại. Các phép lạ này là hành vi cứu chuộc có nghĩa giải thoát con người. Các bản tường thuật về phép lạ cũng trình bày những loại ân huệ con người có thể nhận lãnh nhờ đức tin vào quyền năng và tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa. Thiên Chúa làm điều mà thường tình nhân loại không thể làm. Bằng cách này, các bản tường thuật phép lạ luôn luôn là những câu truyện có mục đích củng cố đức tin và luôn giữ vững niềm hy vọng của chúng ta.

Phép lạ tuyệt đỉnh: sự phục sinh của Đức Giêsu

Các sách Tin Mừng tường thuật cách ngắn gọn nhưng chính xác về cái chết của Chúa Giêsu. “Người tắt thở”; sự kiện này được ghi lại trong Mt 27,50; Mc 15,37; Lc 23,46 và Ga 19,30. Điều này chứng tỏ rằng, Đức Giêsu thực sự đã chết, được mai táng và xuống ngục tổ tông; thế rồi ngày thứ ba Người sống lại từ trong kẻ chết. Các Tông đồ, các Giáo phụ và Giáo Hội luôn xác quyết như vậy. Nói một cách khác, Đức Giêsu thực sự đã nếm trải sự chết, tức là Người đã nếm biết tình trạng của sự chết, tình trạng ly tán giữa linh hồn và thân xác trong khoảng thời gian từ lúc tắt thở trên thập giá cho đến thời điểm phục sinh.

Tác giả M.J. Scheeben nhận định rằng cuộc tôn vinh của Đức Kitô sau cái chết thập giá không được hiểu như một thực tại diễn ra sau khi công trình cứu chuộc chúng ta đã được hoàn tất dứt điểm, nhưng phải được hiểu như một thành phần không thể tách rời trong toàn bộ công cuộc cứu chuộc[iii]. Ý thức được Chúa Cha sai đến thế gian, mang cho thế gian sự sống, sự sống thực, sự sống không qua đi, Đức Giêsu không thể hoàn tất sứ mệnh mà không đương đầu với cái chết. Quả vậy, Người không đến trong một thế giới thần tiên, nhưng cách hiển nhiên, Người đến trên trái đất của chúng ta nơi sự chết là một thực tại thống trị mọi ngày. Trong hành trình đời mình, Đức Giêsu đối diện với cái chết không phải cách lý thuyết, phỏng chừng hay như một ngẫu nhiên xảy đến tình cờ cho người này người khác. Cái chết đến với Người cách hiện sinh và hoàn toàn cá nhân, thuộc về thể xác và cảm giác như mỗi người chúng ta.

Sự phục sinh của Đức Giêsu là một phép lạ tuyệt đỉnh về các phép lạ và đã trở thành chủ đề trung tâm của lời rao giảng tông đồ. Thánh Phêrô quả quyết “Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã  làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng… Vậy toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2, 32.36). Biến cố phục sinh trước hết là sự tôn vinh dành cho chính Đức  Giêsu Kitô, Đấng “đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban một danh hiệu trỗi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2, 8-9). Thật vậy, Đức Kitô có thể chối từ cái chết hoặc bằng cách khác Người cũng có thể cứu chuộc nhân loại. Nhưng không! Người đã vâng lời Đức Chúa Cha và tự nguyện trong tự do của mình để chịu chết, vì lẽ đó Người đáng được tôn vinh. Đây là điều do chính Người đã chinh phục được và xứng đáng lãnh nhận như kết quả công trạng của mình. Sự tôn vinh này, đối với Đức Giêsu, cũng đã từng là đối tượng của niềm hy vọng và sự khẩn cầu của Người “Lạy Cha, Giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha […] Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh Con bên Cha: xin ban cho Con vinh quang mà Con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17,1. 5). Khi cầu nguyện bằng những lời này, Đức Giêsu không chỉ nhìn nhận rằng Chúa Cha là tác giả của sự tôn vinh dành cho bản thân Người, nhưng có thể nói Người cầu nguyện như thế là vì chúng ta.

Phục sinh như một sự hoàn tất của Thiên Chúa với những lời hứa về một Đấng Mêsia Cứu Thế. Sách Công vụ Tông đồ diễn tả “Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết” và “điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các Người, khi làm cho Đức Giêsu sống lại, đúng như lời đã chép trong Thánh vịnh 2: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con…” (Cv 13, 30-37). Vì thế, Thánh Phaolô mới xác quyết rằng “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” và “lòng tin của anh em thật hảo huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em” (1Cr 15,14.17). Khi rao giảng, Đức Giêsu đã làm các phép lạ để cũng cố lòng tin của mọi người như thế nào thì phép lạ cả thể nơi sự sống lại của Người một lần nữa làm nền tảng và dấu chỉ để thế hệ đang lắng nghe Người, tức là Người quy chiếu đến sự phục sinh như một bằng chứng xác nhận tính đích thực của tư cách Mêsia của Người. Chứng từ Tân Ước, tín biểu của Giáo Hội luôn tuyên tín về sự phục sinh của Đức Giêsu qua đó nói lên tính xác thực rằng dù “chúng ta có thể nhìn sự Phục sinh tiên vàn như một sự kiện lịch sử […] Thì nó vẫn siêu việt và trỗi vượt trên lịch sử”[iv].

Có thể nói rằng đối với ngành sử học, cuộc đời Đức Giêsu đã chấm dứt với với cái chết trên thập giá, và sau đó Người đã được an táng trong mồ. Thế nhưng, đối với chúng ta, những kitô hữu thì cuộc đời Đức Giêsu chưa kết liễu với cái chết. Thật vậy, nhờ ánh sáng Phục sinh, các môn đệ không ngừng tìm hiểu mầu nhiệm của Đức Giêsu và họ đã nhận được ánh sáng mới để hiểu rõ hơn thân thế và sự nghiệp của Người. Biến cố Phục sinh không phải chỉ là kết thúc vinh quang cuộc đời Đức Giêsu Nadarét, nhưng mới chỉ là khởi đầu cho cuộc suy tư và truyền bá Tin Mừng cứu rỗi cho đến tận cùng cõi địa cầu. Vì thế, Đức Giêsu Kitô đã trở nên khởi điểm và nguồn gốc của Kitô giáo. Hơn nữa, Sự Phục sinh ấy cho thấy rằng, Chúa Giêsu đã không hề bị Thiên Chúa, Đấng Người gọi là “Ápba” (Gl 3,13)  nguyền rủa, mà trái lại đã được Thiên Chúa xác nhận trong chính bản thân Người, trong giáo huấn của Người và trong việc hoàn toàn trung thành với ơn gọi đến độ đã hy sinh tất cả, kể cả mạng sống mình. Sự Phục sinh còn cho thấy rằng việc tự hiến của Người đã được chấp nhận và thay vì chỉ là một Mêsia giả, như tấm bảng ghi trên thập giá cho thấy, Người đã và vẫn mãi là Mêsia và việc chịu đóng đinh thập giá của Người thực sự là cái chết của vị Mêsia.

Tóm lại, sự phục sinh đã mặc khải đầy đủ và chung cuộc ý nghĩa và sự thật về cuộc đời, con người, công việc, và cái chết của Đức Kitô. Sự Phục sinh ấy đóng ấn của Thiên Chúa trên Chúa Giêsu và thừa tác vụ của Ngài[v]. Đó là một phép lạ tuyệt đỉnh và là hoàn tất của tất cả những phép lạ Ngài đã làm trong cuộc đời tại thế của Ngài.

Phép lạ của Đức Giêsu biểu lộ căn tính của Người

Khi giải thích về những phép lạ Đức Giêsu làm, Hội Thánh tiên khởi đang tìm hiểu về chính con người lịch sử của Đức Giêsu. Vì qua lời nói và việc làm của Người, đã mặc khải và làm chứng cho quyền năng, tình yêu và ý định của Thiên Chúa trong sự cụ thể của thế giới này. Các phép lạ là một biểu hiệu chứng minh cho những gì Người đã nói, đã rao giảng hay để hoàn tất những gì đã được tiên báo trước. Phép lạ còn mở ra một ý nghĩa, bản chất và sự hiện diện của Triều Đại Thiên Chúa đang đến. Nhờ đó, các trình thuật về phép lạ cho chúng ta biết được Chúa Giêsu là ai và Người đang làm gì. Cũng nhờ cách này mà Hội Thánh đã mở ra cho chính mình và cho con cái một sự hiểu biết đầy đủ hơn về Chúa Giêsu. Chúng ta thấy rằng các phép lạ của Chúa Giêsu khác hẳn với các phép lạ của các nhà trị bệnh đương thời. Văn chương vùng Đông phương cổ xưa và trong thế giới Hy Lạp thời Chúa Giêsu còn lưu lại trình thuật phép lạ do những người có đặc sủng hoặc các nhà ma thuật thực hiện.

Trước hết, qua các phép lạ biểu lộ quyền năng của Đức Giêsu trên mọi thực tại. Khác với những người làm phép lạ bình thường trong Do Thái giáo, trước hết Người không xin Thiên Chúa can thiệp, mà chỉ nhân danh Thiên Chúa, chữa lành và giải thoát người ta khỏi sự kiềm chế của ma quỷ. Qua các phép lạ của Người, quyền năng Thiên Chúa được biểu lộ cùng với sự tầm thường, tăm tối và hàm hồ của những thực tại xảy ra ở trần gian. Cách thức làm phép lạ của Người gắn liền với sự tha tội chứng tỏ Ngài là Đấng có quyền trên mọi thự tại, thế lực của thế gian và ma quỷ. Trong tiếng Do Thái, “Giêsu” có nghĩa là “Thiên Chúa Cứu Độ”. Khi Truyền tin, Thiên Thần Gabriel dạy đặt tên cho Người là Giêsu; tên gọi này vừa diễn tả căn tính của Người, vừa diễn tả sứ vụ  của Người. Bởi, “không có ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa” (Mc 2,7)…[vi] Ngài vượt qua giới hạn của thân phận mỏng dòn con người về bệnh tật, đau khổ và sự chết.

Tin Mừng Máccô cho thấy phản ứng của đám đông trước sự dạy dỗ của Chúa Giêsu và một trong các phép lạ của Người: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người” và “mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau ‘thế nghĩa là gì?’ Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh” (Mc 1, 21-27). Như thế, cả công việc quyền phép lẫn sự dạy dỗ của Chúa Giêsu là các bằng chứng cho thấy Ngài là Đấng Mêsia đã được hứa trước. Chúa Giêsu không chỉ  nhận Ngài là Đấng Mêsia, nhưng cùng với lời nói, việc làm, quyền phép Thiên Chúa ban mà Ngài biểu lộ trong các phép lạ, đã cung cấp bằng chứng Ngài thật là Đấng Mêsia. Chính vì thế mà khi bị chất vấn về vai trò và sứ mạng của mình, Chúa Giêsu đã trả lời một cách chắc chắn rằng “nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gioan: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi” (Ga 5,36).

Thứ hai, qua các phép lạ Đức Giêsu làm còn biểu lộ căn tính về sự cảm thương cứu độ của Thiên Chúa đối với con người. Thực vậy, đứng trước nỗi buồn tủi của đau khổ, Thiên Chúa luôn sát cánh với con người trong những nỗ lực của họ để chống trả lại nỗi khốn khổ ấy. Chính Đức Giêsu nhiều lần đã nói rằng Người đến để thi hành sứ vụ và hoàn tất những gì đã được mặc khải trước đó, và Người đã diễn tả công việc của Người theo nghĩa tiên tri như thế (Mc 6,4; Mt 13,57 ; Lc 4,24; 13,33…). Qua các phép lạ, Đức Giêsu đã giải thoát con người để họ có thể bước theo Ngài, việc trừ quỷ nhằm trục xuất thần dữ, để con người có khả năng thông phần vào “Nước Thiên Chúa”.

Thứ ba, qua các phép lạ, Đức Giêsu loan báo sự hiện diện của Nước Trời và thực hiện những dấu chỉ về sự hiện diện của Nước đó. Các phép lạ của Chúa Giêsu liên kết chặt chẽ với Tin Mừng Người rao giảng. Chúng thực sự là “những dấu chỉ” cho thấy Nước Thiên Chúa đang đến. Máccô ghi lại các phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu ngay sau khi tóm lược sứ điệp của Ngài về Nước Thiên Chúa. Các phép lạ của Đức Giêsu là dấu chỉ Nước Thiên Chúa đang đến, và quyền lực của Satan bị tiêu diệt. Các phép lạ cho thấy rằng ơn cứu độ không thuần túy “thiêng liêng” mà có quan hệ tới toàn diện con người, kể cả phương diện thân xác. Giống như “Nước Thiên Chúa”, các phép lạ của Đức Giêsu có chiều kích cánh chung, là buổi hừng đông của thời đại mới. Chúng chỉ có ý nghĩa cho những ai trông chờ thời cứu độ, mong ước một thế giới mới, một trật tự mới. Hơn nữa, các phép lạ còn là dấu chỉ sức mạnh và quyền bính của Đức Giêsu. Đức Giêsu khai trương Nước Thiên Chúa bằng lời nói và hành động. Cũng chính vì thế, mà Đức Giêsu không muốn phô trương, không muốn cho dân chúng lẫn lộn Nước Thiên Chúa với vương quốc trần gian.

Sau cùng, là nhân tố thường được gắn liền với các phép lạ của Đức Giêsu, trong truyền thống Nhất Lãm cũng như trong truyền thống Gioan, đó là lòng Tin. Không giống những ảo thuật gia, thuật sĩ và những người chữa bệnh bằng đức tin, Chúa Giêsu không bao giờ dùng đến thôi miên, xảo thuật, dàn cảnh, đọc thần chú, hoặc các nghi lễ gây xúc động. Người không lợi dụng sự mê tín của người ta hoặc dùng vật linh thiêng. Người khiêm nhường khi chữa lành hai người mù, thánh sử cho ta thấy “Đức Giêsu chạnh lòng thương, sờ vào mắt họ; tức khắc, họ nhìn thấy được và đi theo Người” (Mt 20, 29-34), Người không dùng đến lễ nghi, không phô trương nhưng Người làm một cách công khai, trước nhiều nhân chứng, Người không dùng ánh sáng đặc biệt, sự dàn dựng, hoặc đạo cụ (Mc 5, 24-29; Lc 7,11-15). Có những lúc làm phép lạ Chúa Giêsu công nhận đức tin của những người được lợi ích từ phép lạ Người làm nhưng nhiều khi Người làm phép lạ cho cả những người chưa bày tỏ đức tin. Thánh Matthêu thuật lại rằng “người ta đem nhiều kẻ bị quỷ ám tới gặp Đức Giêsu. Người nói một lời là trừ được các thần dữ và Người chữa lành mội kẻ ốm đau, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia ‘Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta’” (Mt 8,16).

Như vậy, bằng các phép lạ của mình, Đức Giêsu chứng tỏ rằng Người là con Thiên Chúa và là Đấng Mêsia theo lời hứa. Ngài đến để “hoàn tất” những điều Cựu Ước loan báo (Mt 11,5), đó là những vi tế nằm trong kế đồ của Thiên Chúa, thể hiện sự vâng phục nơi Đức Giêsu đối với Thiên Chúa. Thánh Phêrô xác quyết điều này khi Người nói “… Đức Giêsu Nadarét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mạng của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em” (Cv 2,22) và “Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỉ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10, 37-38).

Tạm kết

Kitô học có nhiệm vụ giải thích Ðức Kitô cho dân Chúa, và giới thiệu Ngài cho toàn thể thế giới, nghĩa là cần minh trình cho thấy rõ rằng Ðức Kitô quả là thiết yếu đối với mọi người. Tuy nhiên, không phải vì mong được lòng đa số mà chịu hy sinh giảm thiểu hay cắt xén bớt đi căn tính đích thực của Ngài. Sở dĩ Ðức Kitô có quan hệ và tầm thiết yếu đối với mọi người, là chính vì Ngài mang một bản sắc đặc thù, độc nhất vô nhị trong bản vị “Con Người”, và cũng nhờ Ngài qua Ngài ta mới nhận ra điều này. Sứ mạng của Kitô học là phải loan báo cho mọi người biết rằng: qua và trong Ðức Kitô, Thiên Chúa đã đến bên cạnh con người và đã nâng con người lên bên cạnh Người. Khi miêu tả Đức Giêsu như là người nắm trong tay quyền bính của nước Trời, các Phúc Âm muốn cho thấy có một sức mạnh ngự đến đối chọi với quyền lực sự dữ.

 Jos. Trương Thực

K. XI – Đcv Vinh Thanh


[i] Lm. Gioan Nguyễn Khắc Bá, Kitô Học và Thần Học Về Chúa Ba Ngôi, 238, (cụ thể: có 14 lần trong Mt; 13 lần trong Mc; 18 lần trong Lc và 4 lần trong Ga).

[ii] L. Phan Tấn Thành, Về Nguồn, tập 1&2, 92 – 6; x. Lm. Gioan Nguyễn Khắc Bá, Kitô Học và Thần Học Về Chúa Ba Ngôi,238 – 239.

[iii] M.J. Scheeben, I Misteri Del Cristianesimo, 315 – 316.

[iv] Gioan Phaolô II, Diễn văn, ngày 01 – 03 – 1989, số 2 và 3.

[v] Gerard O’Collins, SJ, Kitô Học Một Nghiên Cứu Hệ Thống Lịch Sử Và Kinh Thánh Về Chúa Giêsu, n.d. Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông, CssR (Saigon: Nxb Công ty Cổ Phần In Khuyến Học Phía Nam, 2012), 152 – 153.

[vi]Hội đồng Giám mục Việt Nam, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 430.

Các sách tham khảo:

Để hoàn thành bài viết này, người viết tham chiếu những cuốn sách sau:

  1.  Gerard O’Collins, SJ, Kitô Học Một Nghiên Cứu Hệ Thống Lịch Sử Và Kinh Thánh Về Chúa Giêsu, n.d. Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR (Saigon: Nxb Công ty Cổ Phần In Khuyến Học Phía Nam, 2012).
  2. Joseph Ratzingeer ĐGH Bênêđictô XVI, Đức Giêsu Thành Nazareth, Phần II: Từ Lúc Vào Giêrusalem Cho Đến Phục Sinh, n.d. Lm Aug Nguyễn Văn Trinh, (Saigon: Nxb Công ty Cổ Phần In Khuyến Học Phía Nam, 2011).
  3. Fernando Ocáriz – Lucas F. Mateo Seco – José Antonio Riestra, Mầu Nhiệm Đức Kitô/ Giáo Trình Kitô Học, n.d Lâm Văn sỹ, O.P. (Saigon: Trung Tâm Học Vấn Đa Minh).
  4. Gerard H. Luttenberger, Dẫn Vào Kitô Học Trong Các Tin Mừng Và Hội Thánh Tiên Khởi, n.d. Lm Nguyễn Đức Thông, CSsR, (Saigon: Nxb Công ty Cổ Phần In Khuyến Học Phía Nam, 2011).
  5. Franz-Josef Niemann, Đức Giêsu – Đấng Mặc Khải Qua Các Tác Giả, (Saigon: Trung Tâm Học Vấn Đa Minh).
  6. Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Khắc Bá, Kitô Học Và Thần Học Về Chúa Ba Ngôi, (Lưu hành nội bộ: Đại Chủng Viện Vinh Thanh, 2009).
  7. Felippe Gómez, SJ. Kitô Học, tập II, n.d. Ban Biên Tập Hợp Tuyển Thần Học, (Nxb An Tôn và Đuốc Sáng, 2012).

 

Bình luận về bài viết này