GIÁO XỨ

Nhà thờ Giáo xứ Tam Trang – Giáo phận Vinh

Tam Trang là một giáo xứ thuộc miền Tây Bắc của Quảng Bình Việt Nam, thuộc Xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cách Thành phố Đồng Hới 70km về phía Tây, nơi đây là vùng cao của dãy Trường Sơn, nằm ở vùng ngoại biên của di sản thiên nhiên Phong Nha – Kẻ Bàng. Tuy nhiên, ngược lại với những ồn ào và nhộn nhịp nơi vùng du lịch và chốn đô thị thì Tam Trang lại ẩn mình giữa một thung lũng của những ngọn núi đá vôi bạc màu. Hàng năm người dân nơi đây phải hứng chịu bao vất vả từ nhiều yếu tố của thời tiết: cái nóng oi bức của mùa hè, cái lạnh của mùa đông cũng như gồng gánh để vượt qua mùa mưa bão. Ngược dòng Son chúng ta có thể thấy được những vất vả cho hầu hết những người dân vùng ven của di sản thiên nhiên Phong Nha – Kẻ Bàng nói chung và người dân của Tam Trang nói riêng. Sống bên di sản trời phú với bao lợi tức về kinh tế, tuy nhiên người dân nơi đây hằng ngày vẫn “nặng gánh mưu sinh” với những cánh rừng và đồng ruộng khô cằn.

IMG_1737

Nhà xứ mới của Giáo xứ

1. Lịch sử hình thành Giáo xứ. 

Theo người già kể lại, ngày xưa khi bắt đầu có người tới ở, những người này đến từ Quảng Trạch mà cụ thể là người của Giáo xứ Hòa Ninh (Quảng Hòa – Quảng Trạch – Quảng Bình), họ đến để lập trang trại và sinh sống. Người ta sống co cụm thành từng nhóm với nhau giữa khoảng đồng quang mông quạnh thành ra sau này cái tên Ba Trang nhằm để chỉ về 3 trang trại là như vậy.

Theo sử liệu của Giáo phận vinh thì Giáo xứ Tam Trang được thành lập từ năm 1869, tách ra từ Giáo xứ Đồng Troóc và có tên là Lạc Sơn. Từ lúc mới thành lập giáo xứ đã có 3 giáo họ là Lạc Sơn (Thùng Thùng), Đồng Thung (Tam Trang) và Cây Lim. Từ năm 1897, giáo xứ được đổi tên thành Giáo xứ Thùng Thùng và vẫn có 3 giáo họ như  trên. Năm 1919, giáo họ Cây Lim tách riêng lập xứ, thì Thùng Thùng đổi tên mới là Giáo xứ Tam Trang, gồm 3 giáo họ là Xuân Trang, Phú Trang (Đồng Thung) và Thuận Trang (Lạc Sơn).

2. Đời sống kinh tế của Giáo xứ. Giáo xứ nằm trong một thung lũng khô cằn và không được ưu đãi của thiên nhiên nên con người nơi đây cũng phải có những công việc không như những nơi khác. Hơn 50% số các bạn trẻ hằng năm phải rời xa quê hương để bán sức lao động cho các công ty thì số còn lại một số đi học và một số vào rừng để kiếm sống. Hàng năm với lượng đất ít ỏi và chất lượng kém cỏi lại không có hệ thống kênh mương đầy đủ nên người dân phải thiếu thốn lương thực cho cuộc sống. Nghề nghiệp chính ở nơi đây là làm ruộng nhưng vì không đủ cái ăn cái để nên người dân nơi đây phải đi làm thuê ở những nơi khác. Hàng năm sản lượng thu về không đủ chu cấp cho các hộ gia đình trong giáo xứ sau một vụ mùa. 

Trải qua thăng trầm lịch sử, đến hôm nay Giáo xứ đã có 130 năm kể từ ngày thành lập, với nhiều cha quản nhiệm khác nhau đời sống đức tin của Giáo xứ cũng ngày một đổi mới. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn đói nghèo và bài học thoát nghèo vẫn như phương trình chưa tìm ra ẩn số. Không nhà máy, không xí nghiệp, không ngành nghề, không có một con đường được gọi là đường đúng nghĩa để con em đi học và người dân đi chợ. Câu hỏi thoát nghèo nơi đây vẫn còn đau đáu với những ai có ưu tư và gánh nặng với quê hương? Ước mong sao Nhà nước có những chính sách hộ trợ thiết thực hơn nữa để giúp đời sống kinh tế người dân của giáo xứ nói riêng và người dân trong địa bàn xã nói chung có một hướng đi tích cực hơn nữa, có như thế mới mong được sự thay đổi cho vùng đất đầy nắng gió này.

3. Về đời sống đức tin.  Người ta thường nói rằng “có thực mới vực được đạo” điều đó có lẽ đúng với những gì đang có ở Tam Trang. Khi đời sống kinh tế người giáo dân còn vất vả, họ phải bươn chải để đắp đủ cuộc sống qua ngày thì họ đành gác lại những thực hành về đời sống niềm tin hay họ không thể có điều kiện để thi hành nó. Giáo xứ có một bề dày lịch sử như chúng ta thấy hôm nay không phải là ngắn để khẳng định đời sống đức tin nơi đây. Tuy nhiên, nếu đem so sánh và cân đong đo đếm thì chúng ta lại thấy rằng đức tin nơi đây chưa có gì đáng nói trên bàn cân của các giáo xứ khác trong Giáo phận của chúng ta!

Ca đoàn Giáo xứ

Niềm tin còn đòi hỏi chúng ta phải vượt qua những rào cản của nó, sống tốt nhưng chưa đủ, còn phải làm gương và chuẩn mực để người khác nhìn vào và tin vào Chúa nữa. Tín hữu nơi đây hàng ngày vẫn tiếp xúc với những người lương dân nhưng hỏi hàng năm số người đó tin vào Chúa được bao nhiêu? Người dân Tam Trang đã làm gì để họ nhận biết Chúa. Không phải nói như vậy để nói rằng đời sống đức tin non kém, nhưng qua đó cho thấy rằng họ chưa sống đủ với đức tin mà họ đã nhận lãnh. Ước mong sao họ làm được điều đó, làm được điều bao người vẫn mong ước.

4. Nhìn về một viễn ảnh tương lai.

Hôm nay đến Tam Trang có thể bạn sẽ nhận thấy một sự đổi thay so với vài năm trước đây, sự đổi thay đó được thể hiện không những trên bình diện kinh tế mà cả về những yếu tố khác.

Các em trong giáo xứ chăm học hơn và có cái nhìn đúng đắn hơn về tri thức. Trước đây người ta thường bảo nhau rằng “học làm gì? Học rồi rốt cuộc cũng con trâu đi trước cái cày theo sau”, nhưng hôm nay cái nhìn thiển cận ấy hầu như bị đánh đổ. Số lượng các em sinh viên hôm nay của giáo xứ tăng đáng kể. Các em học sinh phổ thông trung học và cơ sở cũng nhiều hơn trước. Cha mẹ biết hướng cho con cái con đường đến trường là con đường đúng đắn, hầu như họ đã nhận ra được sự sai lầm từ ngay chính bản thân của họ khi không theo học đầy đủ để hôm nay phải chịu cái cơ cực của kiếp người. Đã là con người ai cũng sống trong kiếp mưu sinh, làm thuê và bán sức lao động, nhưng dần dần thay vì lao động cơ bắp người ta đã chuyển nó sang lao động trí tuệ.

16509_785566941526494_6692785562819395927_n

Người dân hôm nay đã có cái nhìn thoáng hơn…

Từ thay đổi của cách nhìn về tri thức này hy vọng rằng Tam Trang sẽ có nhiều thay đổi hơn nữa, nhất là đời sống đức tin và đời sống kinh tế. Khi niềm tin con người lớn mạnh sẽ dẫn đưa con người vào một tương lai khác, ở đó sẽ không còn sự bon chen và ấu trĩ nhỏ nhen như trước, cái nhìn thoáng hơn, rộng hơn sẽ làm cho mỗi người, mỗi gia đình trong giáo xứ thăng tiến hơn.

Một chiều đi trên con đường giáo xứ Tam Trang bạn có thể thấy được những cô gái đánh bóng chuyền bên đường hay nụ cười giòn trên những sân cỏ của các bạn trẻ, sau lưng bạn là tiếng còi xe buýt đang trao trả học sinh sau khi tan trường. Chắc hẳn điều này làm bạn chợt nhận ra rằng có một điều gì đó sẽ thay đổi và chắc chắn sẽ thay đổi ở Giáo xứ thân thương này. Bạn và tôi, mỗi người chúng ta hãy chung tay để vẽ, để tô đậm thêm cho bức tranh của chúng ta bạn nhé! Đẹp. Xấu. Vui. Buồn. Tất cả điều đó còn phụ thuộc vào mỗi chúng ta. Tam Trang tên gọi thân thương ấy sẽ gắn mãi trên con người bạn dù bạn đến phương trời nào, hãy vì quê hương, vì giáo xứ để sống đúng người con giáo xứ bạn nhé!

1533160_432510860216075_18449891_n

Khánh thành cây cầu bao mơ ước

1552847_432519160215245_733839195_n

Hạnh phúc của người giáo dân nơi miền sơn cước

IMG_0261

Hạnh phúc là nơi điều bạn cảm nhận

Bài và ảnh: Trang Bình

Bình luận về bài viết này

Bình luận về bài viết này