Quảng Bình: Xót lòng nơi “Cồn vọng phu”

(LNĐ)- Cảm ơn Bá Cường và Cảnh Hoa, ít ra tôi vẫn còn thấy được sự ấm lòng nơi bài viết của hai bạn. Chứng kiến thực tế người dân Cồn Sẻ chúng ta mới thấu được nỗi mất mát và sự vô trách nhiệm nơi chính quyền Quảng Bình nói chung và Hải Quân Quảng Bình nói riêng. 
“Cồn vọng phu” – mấy ngày này người ta vẫn gọi Cồn Sẻ với cái tên đau thương ấy. Cả xóm vắng lặng, không khí ảm đạm. Những người phụ nữ ẵm con chờ chồng, những đứa trẻ tụ tập từng nhóm đợi cha trở về, khiến ai cũng thấy nhói lòng…

Chúng con ngồi đấy đợi tin ba!

Địa danh Cồn Sẻ thuộc địa bàn Quảng Lộc – Quảng Trạch – Quảng Bình bỗng dưng “nổi tiếng”, nghe mà thấy xót lòng. Bởi, vào ngày 30/12 vừa qua nơi đây đã xảy ra sự kiện đau thương nhất, 14 người con nơi đây ra khơi đã đắm mình cùng biển khơi mà đến nay vẫn chưa thấy thi thể. 14 người ấy ở trong cùng một xóm nhỏ, chung một chiếc thuyền, ngồi chung mâm cơm, cùng mang theo mộng ước được đổi đời sau những chuyến ra khơi. Nhưng rồi, 14 người ấy đã ra đi cùng một lần, cùng hòa mình vào biển cả. Đau thương!.

Tìm đến Cồn Sẻ khi mặt trời gần khuất núi, những tia nắng yếu ớt của buổi chiều đông soi rọi trên mái nhà xập xệ làm cho không gian nơi đây thêm phần tĩnh mịch, u ám. Đứng trên cầu Quảng Hải, nhìn về Cồn Sẻ nhỏ bé như một chiếc bát úp nằm gọn lỏn ngay giữa dòng chảy của con sông Gianh huyền thoại. Sông Gianh lịch sử với dòng nước ngọt lành đã làm xanh thêm bao nhiêu cánh đồng trù phú, mang lại không ít nguồn lợi thủy sản cho những con người xứ Quảng. Nhưng chính dòng chảy này cũng đổ ra biển lớn, nhấn chìm con thuyền mang theo 14 mạng người con do chính dòng sông nuôi lớn.

Không gian ở xóm chài nghèo Cồn Sẻ vắng lặng, trầm tĩnh đến lạ thường. Chiếc cầu gỗ bắc qua sông nối liền ra ốc đảo run bần bật, kêu kẽo kẹt khi chiếc xe chúng tôi lăn những vòng bánh đầu tiên. Chiếc xe máy vừa đỗ xịch xuống, cậu bé tên Mèo khoảng chứng 5, 6 tuổi từ đâu chạy tới giật giật cánh tay tôi hỏi: “Chú ơi! Đã có tin gì mới về ba con ngoài biển phải không ạ?. Con nhớ ba lắm, từ ngày ba bị nạn hôm nào mấy đứa chúng con cũng ngồi đấy đợi ba”. Ánh mắt vô hồn của cậu bé khi hỏi khiến lòng tôi se lại và cảm thấy cay cay nơi sống mũi.

Những đứa trẻ này ngày nào cũng mong ngóng ba nó trở về đoàn tụ

Đi sâu vào trong xóm, tìm đến ngôi nhà nhỏ của ông Nguyễn Tính (63 tuổi) và bà Phạm Thị Hòa (58 tuổi), gia đình có 6 người con tử nạn đang nằm ngoài biển khơi (4 con trai và hai con rể). Đó là thuyền trưởng Nguyễn Phong (41 tuổi), các em ruột Nguyễn Lưu, Nguyễn Hùng, Nguyễn Chung cùng hai người em rể là Mai Thanh Bình và Nguyễn Kiểu. Chiếc tàu đánh cá là tài sản để gia đình mưu sinh từ chục năm nay, giờ đã chìm sâu dưới biển mang những đứa con vĩnh viễn không trở về cũng những giấc mơ giản dị.

Trong số những người bị nạn ấy, chỉ có Hùng (18 tuổi) là chưa lập gia đình. Em dự định sau chuyến đi biển về sẽ nghỉ tết với số tiền kha khá, ra năm sẽ đi học một nghề gì đó chứ không phải đi biển. Còn năm người anh của cậu ai cũng đã có gia đình, đông con cái. Ánh mắt thất thần hướng ra biển, chị Mai Thị Tâm vợ anh Nguyễn Chung cùng năm đứa con thơ dại ngày ngày vẫn ngóng trông một điều kỳ diệu sẽ xảy ra với mái ấm của gia đình chị. Năm ngày rồi chị vẫn đợi chồng, vẫn nhìn ra biển, vẫn trông mong. Chồng ra đi để lại trên đôi vại chị gánh nặng quá lớn, khi mà các con còn quá nhỏ chưa nhận thức được chuyện gì xảy ra với người ba của các cháu. Rồi đây, tương lai của các cháu sẽ ra sao khi thiếu đi bàn tay và hơi ấm của người ba, khi mà nguồn lao động chính ở cái xóm chài bé nhỏ, ngheo nàn này đã mất đi. Giờ các cháu còn quá ngây thơ chưa hiểu ra sự mất mát, nhìn chúng vẫn vô tư cười đùa mà chị Tâm quặn lòng.

Đớn đau nhất có lẽ là vợ chồng ông Tính bà Hòa. Gom góp cả đời gia đình mới mua được chiếc thuyền nhỏ để mưa sinh. Đó là nguồn sống duy nhất của đại gia đình ông. Phong là con trai cả nên được ông giao làm thuyền trưởng. Ông không bao giờ dám nghĩ con thuyền đó lại có ngày mang theo 6 người con của ông ra khơi rồi mãi mãi không trở về. “Còn nỗi đau nào đau hơn nữa không trời xanh! Con mất cha, vợ mất chồng, bố mẹ mất con, răng lại có cảnh kẻ đầu bạc tiến kẻ đầu xanh đi rứa trời. Đến cái xác cũng không tìm lại được cho chúng nó yên nghỉ…”. Tiếng than của ông Tính như cứa vào lòng những người ở lại.

Trong số 14 người mất tích trong vụ chìm tàu ấy, chỉ có anh Mai Khương Duy (27 tuổi) là may mắn tìm được thi thể. Trong gia đình, ngoài Duy ra còn có em là Mai Thái Bạch (18 tuổi) và anh rể Hoàng Dũng (32 tuổi) cũng chung số phận. Bế đứa con đầu lòng của anh mới được 4 tháng tuổi ngồi đợi chồng, Mai Thị Lực – vợ Duy kể lại rằng: “Chiều 29-12, anh ấy điện về nói tàu đang vào gần bờ, sắp về với vợ con. Em và gia đình mừng lắm. Đến khuya thì không còn liên lạc được nữa, ai cũng hoảng hốt. Sáng ra thì nghe tin anh và mọi người gặp nạn rồi…”

Nỗi lòng nới đất liền…

Còn gì đau đớn hơn, lo sợ hơn khi biết tin người thân bị nạn nhưng vẫn đành phải… chờ đợi và hy vọng. Giữa muôn trùng khơi, sóng gió cuồn cuộn như vậy thì những ngư dân xóm Cồn Sẻ cũng  chỉ biết ngồi đợi tin, cầu nguyện cho người thân được bình an. Nhưng liệu rằng các cơ quan chức năng liệu đã làm tròn nhiệm vụ, chức trách của mình trong vụ tai nạn này hay không?. Đó là câu hỏi mà những người dân nơi xóm chài nghèo vẫn đang đặt ra và họ tỏ ra khá bất bình với cách làm việc của các cơ quan chức năng.

Và khi chúng tôi đến đây để chia sẻ nỗi đau cùng họ, những người dân chất phác ấy cũng dè xẻn hơn, không mấy thiện cảm với những “người nhà nước”. Bởi, họ luôn nghĩ rằng “nghĩa tử là nghĩa tận”, khi người thân của họ đã mất đi thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc tập trung tìm kiếm, lãnh đạo các cấp mới đến chia sẻ, động viên gia đình thì còn gì nữa?. Tại sao, khi tàu cá của họ đang gặp nạn ngoài kia, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ còn trong gang tấc thì không có ai ra đó giúp đỡ họ, không có thuyền cứu hộ nào ra đó cùng họ thoát đi lưỡi hái của tử thần. Mà đợi đến khi 14 nạn nhân cùng chiếc thuyền đã hòa mình vào với biển cả các cơ quan chức năng, đội cứu hộ cứu nạn mới tập trung tìm kiếm… thi thể. Tại sao không thay vì tìm xác chết giữa biển mà họ không đi cứu những người đang còn sống, khao khát sống và sợ hãi khi ở giữa ngàn khơi kia?.

Trước khi bị nạn, thuyền trưởng Nguyễn Phong đã gọi điện về gia đình, nói chuyện cùng con gái 7 tuổi Nguyễn Thị Tha lo lắng: “Ngoài ni sóng to gió lớn, biển động dữ lắm con ơi! Mấy mẹ con đọc kinh cầu nguyện cho ba với”. Trong tình thế khẩn cấp, anh vẫn còn đủ tỉnh táo gọi điện về nói chuyện với vợ con, nhưng anh không lẽ anh không biết gửi tín hiệu cầu cứu đến các cơ quan chức năng hay sao?. Thuyền bị nạn khi cách cảng Gianh 7 hải lý, ở đó có Hải đội 2 – Bộ đội biên phòng Quảng Bình túc trực mà không nhận được tín hiệu cầu cứu hay sao? Hay nhận được tín hiệu những đành bất lực bởi sóng biển quá lớn?.

Tính đến thời điểm bây giờ, ngoài chiếc tàu QB 93714-TS chìm mang theo 14 người, tại Quảng Bình còn có hai chiếc tàu mất tích là QB 93469TS do ông Nguyễn Đức Thắng ở thôn Tân Định – Quảng Minh – Quảng Trạch làm thuyền trưởng cùng 7 thuyền viên khác. Tàu cá mang biển hiệu QB 93977 TS của ông Nguyễn Văn Chuẩn, ở thôn Xuân Lộc – xã Quảng Phúc – Quảng Trạch đã mất liên lạc từ hai ngày nay khi trên tàu có 7 thuyền viên khác. Tính ra trong vòng 5 ngày qua, từ ngày 30/12/2012 đến nay tại huyện Quảng Trạch – Quảng Bình có 3 chiếc tàu bị mất tích cùng 30 người dân. Thiết nghĩ, Trung tâm dự báo thời tiết tỉnh Quảng Bình, Ban phòng chống bão lụt – Trung tâm cứu hộ cứu nạn cùng các cơ quan ban ngành liên quan của tỉnh Quảng Bình liệu đã thực sự hoàn thành tốt nhiệu vụ của mình hay chưa khi đã xảy ra những vụ tai nạn đau  thương, cướp đi nhiều sinh mạng như vậy?.

Nỗi đau vẫn in hằn trên khuôn mặt gia đình nạn nhân Mai Khương Duy

 Từ năm 2009 đến nay, tại huyện Quảng Trạch đã xảy ra nhiều vụ tai nạn về sông nước, tàu thuyền và cướp đi không ít mạng sống của con người. Cụ thể, vụ chìm đò năm 2009 đúng ngày 30 tết đã cướp đi sinh mạng của 42 người tại xã Quảng Hải, mới đây ngày 24/12 lại xảy ra vụ chìm đò tại xã Quảng Thuận làm 9 người thương vong. Và bây giờ, trong vòng vài ngày đã có 3 thuyền cá mất tích cùng 30 người trên biển cũng ở huyện Quảng Trạch. Liệu rằng, khâu quản lý tàu thuyền chất lượng các thuyền cá, các thiết bị đàm thoại trên tàu thuyền đánh cá, phao cứu sinh  trên đò ngang qua sông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang ở mức báo động đỏ.

Trở lại với vụ chìm thuyền làm chết 14 người ở Cồn Sẻ, hiện cơ quan chức năng đã xác định được tọa độ nơi chiếc thuyền bị nạn và đã tiến hành trục vớt thành công chiếc thuyền trên. Tuy nhiên, thi thể 13 thuyền viên còn lại vẫn chưa tìm thấy. Về Cồn Sẻ những ngày này, người ta chỉ thấy hình ảnh của những người vợ bế con đợi chồng, những đứa trẻ tụ tập đầu xóm để đợi tin. Không cón một bóng dáng người đàn ông nào bởi họ đang mải miết đi tìm thi thể những nạn nhân kia để đưa họ về quê an nghỉ. Còn những người phụ nữ vẫn cứ ngồi ở cửa, hướng mắt ra biển khơi chờ đợi một điều gì đó. Và tôi hiểu, vì sao người ta gọi đây là “Cồn vọng phu”.

Bá Cường – Cảnh Hoa

Bình luận về bài viết này